TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG KHOA HỌC KỸ THUẬT VÀO HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA CÔNG TY THỦY ĐIỆN ĐẠI NINH

08 Tháng Chín 2021 7:46 CH

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Trong cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu khách quan sẽ diễn ra toàn diện, mọi mặt đời sống và trên phạm vi toàn cầu. Tập đoàn điện lực Việt nam và Tổng Công ty Phát điện 1 cũng đã có chương trình hành động thực hiện chuyển đổi số. Riêng tại Công ty thủy điện Đại Ninh, từ khi Công ty đi vào hoạt động cho đến nay, Công ty đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc hàng ngày; hiện nay đang từng bước triển khai chuyển đổi số cũng như tiếp tục tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Theo thiết kế, mức độ tự động hóa trong dây chuyền sản xuất điện của Nhà máy thủy điện Đại Ninh ở mức cao. Toàn bộ hệ thống thiết bị có thể vận hành hoàn toàn tự động (các thiết bị chính đều có xuất xứ từ các nước G7). Nhân viên vận hành chỉ cần nhấn nút ra lệnh trên giao diện điều khiển thì toàn bộ thiết bị trong dây chuyền sản xuất điện sẽ tự động làm việc (từ khởi động các hệ thống hỗ trợ cho tổ máy phát điện cho đến khi tổ máy hòa đồng bộ vào lưới điện và phát công suất lên lưới điện.

 

Hình ảnh: Phòng điều khiển trung tâm NMTĐ Đại Ninh

Mặc dù dây chuyền sản xuất điện đã được thiết kế tự động hóa nhưng Công ty vẫn không ngừng nghiên cứu các ứng dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến, nâng cao độ an toàn, tin cậy cho hệ thống thiết bị. Các hệ thống thiết bị cũ đang dần được thay thế bằng các thiết bị thế hệ mới; những thiết bị không có dự phòng nóng đang được Công ty cải thiện chức năng để đảm bảo dự phòng, nâng cao độ khả dụng của hệ thống thiết bị. Công ty cũng đang nghiên cứu tìm chủng loại thiết bị phục vụ giám sát liên tục tình trạng của các thiết bị chính như máy phát điện, máy biến thế chính giúp phát hiện kịp thời hiện tượng bất thường của thiết bị để chủ động trong việc xử lý, tránh cho thiết bị hư hỏng nặng phải dừng sản xuất điện thời gian dài.

Thông qua hoạt động sáng kiến của Cán bộ công nhân viên (CBCNV), các điểm bất hợp lý, các điểm có thể cải tiến, hợp lý hóa, nâng cao hiệu quả trong công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa hệ thống thiết bị được phát hiện; từ đó nghiên cứu, tìm giải pháp (ứng dụng khoa học kỹ thuật) để cải tiến các điểm này. Từ khi Công ty đi vào vận hành cho đến nay, CBCNV Công ty đã tìm ra giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận hành bảo dưỡng sửa chữa cho 37 vấn đề.

Trong tác nghiệp hàng ngày, CBCNV của các phòng/phân xưởng trong Công ty thủy điện Đại Ninh đã ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện công việc. Trong đó, Công ty ứng dụng các phần mềm dùng chung như văn phòng điện tử E-Office, quản lý nhân sự HRMS, đào tạo trực tuyến E-learning, phần mềm thi trắc nghiệm ATVSLĐ của EVNGENCO1; Phòng Kỹ thuật và An toàn ứng dụng các phần mềm như hệ thống quản lý kỹ thuật (PMIS), phần mềm phục vụ công tác xây dựng bài giảng (E-learning, phần mềm tạo Video), phần mềm để lập hồ sơ liên quan công tác bảo dưỡng sửa chữa, quản lý tài liệu (Microsoft Office, Project); phần mềm thiết kế (Autocad, Visio); Phòng Hành chính và Lao động ứng dụng các phần mềm như phần mềm quản lý hợp đồng (phần mềm ERP phân hệ PO), phần mềm tính lương (phần mềm ERP phân hệ PR, Microsoft Office); phần mềm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Phòng Tài chính và Kế toán ứng dụng các phần mềm như ERP trong nghiệp vụ kế toán, Microsoft Office trong nghiệp vụ tài chính, quản trị, thống kê; Phòng Kế hoạch và Vật tư ứng dụng các phần mềm phục vụ nghiệp vụ thị trường điện như Phần mềm Hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhà máy điện ES-MES, Phần mềm Quản lý đo đếm và giao nhận điện năng, Phần mềm hỗ trợ tính toán thanh toán thị trường điện, Cổng thông tin thị trường điện Việt Nam; phần mềm phục vụ nghiệp vụ vật tư như Phần mềm ORACLE EBS, Microsoft office, Hệ thống thông tin quản lý đấu thầu; Phần mềm quản lý ĐTXD của EVN; phần mềm phục vụ nghiệp vụ đấu thầu như hệ thống đấu thầu điện tử, hệ thống thông tin quản lý đấu thầu của EVN, phần mềm quản lý đầu tư xây dựng của EVN; phần mềm phục vụ nghiệp vụ dự toán và thanh quyết toán như phần mềm PMIS phân hệ dự toán, phần mềm dự toán của EVN; Phân xưởng Vận hành ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác cập nhật thông số vận hành thiết bị hàng giờ, nhật ký vận hành (phần mềm PMIS), nhận lệnh điều độ (phần mềm DIM), phần mềm ghi nhận chỉ số công tơ (DATA LINK); Báo cáo tổng hợp thông số, tình hình thiết bị hằng ngày, tính toán lưu lượng chạy máy, lưu lượng vào hồ (phần mềm Microsoft Office); phần mềm theo dõi vận hành hồ chứa; phần mềm chào giá điện; phần mềm tính toán kết quả vận hành khi tham gia thị trường điện và chiến lược chào giá cho ngày tiếp theo; Phân xưởng Sửa chữa ứng dụng phần mềm PMIS trong công tác bảo dưỡng sửa chữa thiết bị; các phần mềm chuyên dụng để bảo dưỡng sửa chữa hệ thống điều khiển, hệ thống kích từ, hệ thống điều tốc; các phần mềm chuyên dụng để thử nghiệm thiết bị, thử nghiệm rơ le bảo vệ; sử dụng phần mềm Microsoft Office để lập hồ sơ liên quan công tác sửa chữa bảo dưỡng, các báo cáo, phương án kỹ thuật, tiến độ.

 

Hình ảnh: CBCNV PXSC ứng dụng phần mềm chuyên dụng thử nghiệm rơ le bảo vệ

Thực hiện chủ đề năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty thủy điện Đại Ninh đã lập kế hoạch và đang từng bước triển khai thực hiện chuyển đổi số, trong đó gồm một số nội dung chính như: tìm hiểu, nghiên cứu các phần mềm/giải pháp đang được áp dụng tại các đơn vị thành viên trong Tổng Công ty Phát điện 1 để áp dụng tại Công ty; tuyên truyền, khuyến khích CBCNV viết bài; truyền thông được cam kết chuyển đổi số của Lãnh đạo Tổng Công ty Phát điện 1, Công ty, các chỉ tiêu kế hoạch chuyển đổi số chính, kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số của Tổng công ty, Công ty đến toàn thể CBCNV; rà soát mức độ ứng dụng CNTT trong các phòng/phân xưởng; Số hóa và cập nhật tài liệu đào tạo trên hệ thống phần mềm E-learning của EVN; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm PMIS; Ứng dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp bảo dưỡng sửa chữa tập trung vào độ tin cậy (RCM); Triển khai phần mềm nhật ký vận hành điện tử; cập nhật thông số vận hành trên phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS).

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, trong thời gian tới Công ty thủy điện Đại Ninh sẽ còn nhiều cơ hội để tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cải tiến, hoàn thiện hơn nữa dây chuyền sản xuất, cũng nâng cao năng lực trong các lĩnh vực quản trị, điều hành; nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng./.

                                                                                  (Viết bài: Nông Hoàng Mẫn)


Tin liên quan